Tôm tăng giá nhưng người nuôi tôm lại gặp phải khó khăn mới

26-09-2023
Đứng trước tình hình giá tôm đang có xu hướng dần tăng trở lại, thì sản lượng tôm nguyên liệu trong nước còn lại rất ít. Người nuôi tôm tiếp tục đối mặt với khó khăn mới.


Tôm nguyên liệu có dấu hiệu tăng nhưng sản lượng tôm nuôi trong nước đang rất ít

Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), giá tôm nguyên liệu tại các tỉnh miền Trung và Nam Bộ đang tăng mạnh, với tôm thẻ cỡ 30 - 35 con/kg đang dao động từ 102.000 - 104.000 đồng/kg, tôm sú cỡ 20 - 25 con/kg đang dao động từ 180.000 - 195.000 đồng/kg. Riêng tôm thẻ 50 con/kg có giá 102.000 - 104.000 đồng/kg, cỡ 80 con/kg có giá 86.000 - 88.000 đồng/kg, tôm 100 con/kg giá 79.000 - 81.000 đồng/kg. Mức giá này cao hơn từ 20.000 - 50.000 đồng/kg so với thời điểm giảm sâu nhất.

Tôm tăng giá nhưng chủ yếu là loại cỡ lớn. Tuy nhiên, trong tình hình hiện tại, sản lượng tôm được nuôi đang rất ít. Nguyên nhân xuất phát từ việc tình trạng giá tôm giảm, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khuyến cáo người nuôi tôm hạn chế trong việc thả giống.

Tại huyện Hòa Bình tỉnh Bạc Liêu, trong tuần qua đã có 418 ha được thả giống, lũy kế đến nay gần 6.900 ha. Trong đó, có hơn 1.800 ha tôm được thả nuôi theo mô hình công nghệ cao.

Ngành nông nghiệp của tỉnh Bạc Liêu cũng đã phối hợp với các xã, thị trấn theo dõi chặt chẽ diện tích cải tạo ao nuôi tôm, vận động người dân thả giống theo lịch thời vụ giúp đảm bảo tôm sinh trưởng và phát triển tốt, tránh tình trạng thả giống quá dày, dẫn đến cạnh tranh thức ăn và dịch bệnh, là một giải pháp tích cực để nâng cao năng suất, chất lượng tôm nuôi và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.


Các hộ nuôi tôm theo mô hình công nghệ cao đang chuẩn bị để thả vụ mới. Ảnh: vietlinh.vn

Trong tháng 8 vừa qua, toàn tỉnh đã có 10 tổ chức và 786 hộ dân thả nuôi tôm thẻ chân trắng theo mô hình siêu thâm canh 2, 3 giai đoạn với tổng diện tích là 4.946 ha. Đồng thời, sản lượng tôm đã thu hoạch 3.279 ha, năng suất bình quân 17,55 tấn/ha, sản lượng 57.539 tấn, diện tích đang còn tôm là 1.309 ha.

Thế nhưng, thực tế cho thấy người nuôi tôm vẫn còn khá dè dặt trong việc thả tôm nuôi trở lại. Khoảng 60 - 70% số hộ nuôi tôm nhỏ lẻ thiếu vốn, do không thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, nên họ chọn cách mua nợ vật tư đầu vào từ đại lý. Trong khi đó, do giá tôm giảm mạnh, kéo dài, việc thu hồi nợ trở nên khó khăn, các đại lý cũng thu hẹp khoản đầu tư cho các hộ này.

Hơn nữa, người nuôi cũng chưa thực sự mặn mà nuôi mới trở lại, bởi giá tôm cỡ nhỏ (80 - 100 con/kg) mặc dù có tăng, nhưng vẫn chưa có lãi. Riêng đối với các hộ nuôi tôm công nghệ cao theo mô hình 2, 3 giai đoạn lại đang chuẩn bị cho đợt thả tôm mới, với hy vọng gỡ gạc lại phần nào từ những vụ tôm trước.

Đăng ngày 01/09/2023
Theo Hòa Thy - tepbac.com